Nhận định:
LIỆU HOA KỲ CÓ ĐƠN PHƯƠNG TRỪNG PHẠT CHÍNH
QUYỀN SYRIA
HAY KHÔNG?
Thiện Ý.
Như mọi người đã biết, trong mấy tuần qua
và cho đến lúc này, cả thế giới đang
quan tâm và như chờ đợi Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack Obama quyết định, có
hay không giáng đòn trừng phạt Syria,vì Mỹ đã có bằng chứng rằng chính quyền Bashar
al Assad của nước này đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công phe nổi
dậy vào ngày 21-8-2013 thuộc môt vùng của Thủ đô Damas, sát hại và làm bị thương khoảng trên
1400 người trong đó nhiều trẻ em và dân thường.
Đúng ra, Tổng Thống Barrack Obama đã ra đòn
trừng phạt chính quyền Syria sớm hơn, nhưng vì thấy phản ứng trong giới lập
pháp và nhân dân Hoa Kỳ cũng như công luận thế giới chưa thuận lợi, nên Ông đã
phải hoãn lại để vận động, thuyết phục tìm hậu thuẫn quốc nội cũng như quốc tế.
Thế
nhưng, thực tế vấn đề đặt ra là, trong những ngày tới đây, nếu kết quả nỗ lực
vận động của hành pháp Hoa Kỳ chỉ đạt được
những điều kiện “ắt có”, mà “chưa đủ” thì liệu Tổng Thống Barrack Obama
có giám ra quyết định đơn phương dùng biện pháp quân sự (có giới hạn thời gian, không gian và phương cách) để trừng phạt
Syria hay không?
Nội dung bài nhận định này lần lượt trình
bầy:
-
Những yếu tính cho
một quyết định trừng phạt Syria
có chính nghĩa?
-
Liệu Hoa Kỳ có
đơn phương quyết định biện pháp trừng phạt Syria hay không?
I/- NHỮNG YẾU TÍNH ĐỂ CÓ
CHÍNH NGHĨA CHO MỘT QUYẾT ĐỊNH TRỪNG PHẠT SYRIA
Theo
nhận định của chúng tôi,có ba yếu tính để có chính nghĩa(Orthodox principal, Justice) cho một quyết định
trừng phạt chính quyền Syria, là tính chính đáng (Legitimate,
Righteous), chính danh (True name), hợp pháp(Legal, Lawful). Vì phải có chính nghĩa, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama mới thuyết phục, lôi kéo được
sự hậu thuẫn của Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ cũng như sự đồng tình của cộng
đồng thế giới cho biện pháp trừng phạt
chính quyền của Tổng Thống Bashar Al-
Assad ở Syria.
“Tính chính đáng”
trong hiện vụ là sự kiện chính quyền Damas sử dụng loại vũ khí hóa học bị cấm
chỉ, gây thương vong cho hàng ngàn sinh linh, thì việc Hoa Kỳ có hành động
trừng phạt là “có
tính chính đáng”.Thế nhưng, việc trừng phạt này không thuộc thẩm
quyền và trách nhiệm của Hoa Kỳ mà thuộc
thẩm quyền, trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc (Hội
Đồng Bảo An LHQ). Vì hành vi sử dụng vũ khi hóa học của chính quyền Syria,
một hội viên LHQ, là đã vi phạm luật quốc tế, chứ không vi phạm luật pháp quốc
nội Hoa Kỳ. Vì vậy, nếu Hoa Kỳ đơn phương (hay
liên kết với Pháp và các cường quốc khác) thực hiện biện pháp quân sự để
trừng phạt Syria là “không chính danh” và cũng là hành động “bất hợp pháp”,
theo công pháp quốc tế, là vi phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập.
Một khi không hội đủ “tính chính đáng”,
“tính chính danh”, “Tính hợp pháp” là Hoa Kỳ không có
chính nghĩa để thực hiện biện pháp quân sự trừng phạt Syria một cách
đơn phương, nên đã bị phần đông các quốc gia, các giáo hội trên thế giới chống đối,
gây khó khăn nhiều mặt cho Hoa Kỳ.
Chính
vì vậy mà Tổng Thống Obama đã phải hoãn ra quyết định trừng phạt Syria và trong
nhiều ngày qua Ông đã mở cuộc vận động tích cực trong cũng như ngoài Hoa Kỳ.
Thế nhưng, cho đến lúc này, sự hậu thuẫn
của lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn chưa ngã ngũ vì phải đợi qua tuần tới (sau ngày 9-9) Hạ viện và Thượng viện
họp lại để thảo luận và biều quyết thông qua một Nghị quyết mới biết kết quả ra
sao. Về các vận động đối ngọai, qua Hội Nghị Thượng Đình G-20 ở thành phố St
Petersbourg ở Nga Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng chỉ nhận được sự ủng hộ
tương đối của nhiều nước cho biên pháp quân sự trừng phạt Syria. Tổng Thư Ký
LHQ Ông Ban-Ki-Moon thì vẫn yêu cầu Hoa Kỳ chờ kết quả điều tra của phái đoàn
Liên Hiệp Quốc và nếu có bằng chứng Syria có vi phạm luật cấm sử dụng vũ khí
hóa học thì mọi biện pháp trừng phạt phải được thông qua Hội Đồng Bào An LHQ.
Nếu chỉ căn cứ vào những biểu hiện sau cuộc điều trần tại
Quốc Hội của tam trụ triều đình Barack Obama: Bộ Trưởng Ngoại Giao
John Kerry, Bộ Trưởng Quốc Phòng Chudk Hagel và Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân
Hoa Kỳ, Tướng Martin Dempsey, thì cho đến lúc này dường như đa số các nghị sĩ
dân biểu thuộc cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa ở lưỡng viện Quốc Hội có chiều
hướng hậu thuẫn có điều kiện giới hạn cho quyết định trừng phạt Syria
của Tổng Thống Barack Obama. Thế nhưng công luận dân chúng Hoa Kỳ còn nhiều bất
đồng, qua các cuộc thăm dò của giới truyền thông cho thấy đa số vẫn không ủng
hộ hành động đơn phương hay liên kết với vài nước đồng minh của Hoa Kỳ để giáng
đòn trừng phạt Syria.Dường như nhân dân Hoa Kỳ chỉ muốn chính quyền Obama chia
xẻ trách nhiệm trừng phạt này với cộng đồng thế giới qua thẩm quyền quyết định
của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA-LHQ). Đây cũng là chiều hướng chung
của công luận quốc tế. Nhưng nếu thực tế không đi theo chiều hướng này (gần như chắc chắn một dự thảo Nghị quyết trừng
phát Syria sẽ bị Nga- Tầu phủ quyết) thì liệu Hoa Kỳ có đơn phương hay liên
kết với một vài quốc gia khác thực hiện
biện pháp quân sự trừng phạt Syria như đã dự trù và chuẩn bị trong những ngày
qua đang sẵn sàng chờ lệnh hay không?
II/-LIỆU HOA KỲ CÓ ĐƠN PHƯƠNG
RA QUYẾT ĐỊNH TRỪNG PHẠT SERIA HAY KHÔNG?
Như vậy trên thực tế Tổng Thống Obama đang
phải đứng trước sự lựa chọn:
1.- Tham gia trừng phạt Syria dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc (Unite Nations) để có chính nghĩa
(vì hội đủ tính chính đáng, chính danh,
hợp pháp). Nhưng diễn biến tình hình thực tế cho thấy Hoa Kỳ khó mà có được
lựa chọn tối ưu này. Vì điều chắc chắn là biện pháp quân sự trừng phạt Syria
phải được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua. Điều này khó xẩy ra khi mà
hai trong năm nước thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết (Veto) là Nga
và Tầu cộng đã có quyền lợi gắn bó với nhà độc tài Bashar al Assad nên từ lâu
đã công khai hậu thuẫn cho chế độ độc tài Syria.Trong hiện vụ cả Nga và Tầu
cộng đều đã lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ và có hành động yểm trợ cho Damas, nếu
Hoa Kỳ đơn phương dùng biện pháp quân sự trừng phạt Syria, nên chắc chắn sẽ phủ
quyết nếu có một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ cho phép trừng phạt
Syria.
2.- Đơn phương hay liên kết
với Pháp thực hiện biện pháp quân sự trừng phạt Syria như đã được chuẩn bị dự
trù mấy tuần qua, tương tự như Hoa Kỳ
đã chọn lựa đơn phương tấn công Iraq vào năm 2013, chỉ khác là trước đây Hoa Kỳ
đã tấn công ngay mà không chờ đợi 45 ngày theo yêu cầu của LHQ để có kết quả
điều tra của Liên Hiệp Quốc về việc Iraq có chế tạo và tang trữ vũ khí hạt nhân
hay không (một trong hai lý do tấn công
Iraq, lý do kia là lật đổ chế độ độc tài Saddam Huissein vì hậu thuẫn cho tổ chức
khủng bố Al Qaeda, nhưng sau đó thực tế cả hai lý do tấn công đều không có). Nay thì, dù công cuộc chuẩn bị cho một cuộc trừng
phạt Syria đã sẵn sàng, nhưng Hoa Kỳ chấp nhận chờ đợi kết quả cuộc điều tra
của phái đoàn chuyên viên LHQ xem vũ khí hóa học có được sử dụng tại Syria hôm 21-8-2013
vừa qua hay không. Dường như kết quả cuộc điều tra của phái đoàn LHQ chỉ xác
nhận “Có hay không sử dụng vũ khí hóa
học”, nhưng lại không có trách nhiệm
xác định thủ phạm, phe nào trong hai phe chính quyền Al Assad và dân quân
nổi dậy ở Syria, đã sử dụng loại vũ khí giết người tàn hại bị cấm chỉ này. Sự
thể này cho thấy dường như LHQ, với Tổng Thư Ký Ban-Ki-moon,người đứng đầu “tổ chức quốc tế có
nhiệm vụ giải
quyết các tranh chấp, xung đột,duy trì hòa bình thế giới” này,đã
không muốn có biện pháp trừng phạt chính quyền Damas như Hoa Kỳ chủ xướng, vì
thấy trước dù có muốn cũng không thể thực hiện được khi mà hai nước hội viên
thường thực có quyền phủ quyết là Nga-Tầu đã quyết liệt bênh vực cho chính
quyền Al Assad, công khai chống lại biện pháp trừng phạt theo đề nghị của Hoa
kỳ, Anh, Pháp. (Chính quyền phủ quyết
(Veto) đã cho thấy sự phi lý bất công trong HĐBA,làm cản trở các hoạt động giải
quyết các tranh chấp, trừng phạt các vi phạm Hiến Chương LHQ và luật pháp quốc
tế, khiến người ta nghi ngờ sự ra đời
của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc sau Thế Chiến II,vào ngày 24-10-1945, do sáng kiến
của Mỹ, Anh và Liên Xô, thực chất cũng như thực tế chỉ là công cụ mới, hình
thành sau Hội Quốc Liên- League of Nations- của các
cường quốc cực, để phân chia vùng ảnh hưởng, sắp đặt nền trật tự thế giới, đặt
ra luật pháp quốc tế để cương tỏa các nước nghèo (chiếm số đông), nhưng việc
tuân thủ luật pháp quốc tế có tính tùy tiện đối với các cực cường…)
Trên thực tế cho đến lúc này, hai phe chính
phủ Al Assad và dân quân nổi dậy vẫn đã, đang
đổ tội cho nhau. Trong khi Hoa Kỳ và Pháp thì đã chưng bằng chứng thủ
phạm sử dụng vũ khí hóa học là từ phía lực lượng võ trang của chính quyền
Damas, phe quân dân nổi dậy đã là nạn nhân. Dựa trên những bằng cớ vi phạm này,
Hoa Kỳ và Pháp đã hạ quyết tâm giáng đòn trừng phạt Syria. Trên thực tế, căn cứ vào các
hoạt động quân sự chuẩn bị cho một trận chiến đã gần như hoàn tất, kết quả thuận
lợi của các cuộc vận động khẩn trương, tích cực của Tổng Thống Obama và các
nhân vật hàng đầu của nội các có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp trừng phạt Syria, như Bộ Trưởng Ngoại Giao
John Kerry, Bộ Trưởng Quốc Phòng Chudk Hagel và Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân
Hoa Kỳ Tướng Martin Dempsey, chiều hướng nhận định chung của công luận là Hoa
Kỳ sẽ đơn phương hoặc liên kết với Pháp và một số nước khác giáng đòn trừng
phạt Syria, dù HĐBA Liên Hiệp Quốc có thông qua một nghị quyết cho phép trừng
phạt Syria hay không.
Khuynh hướng chung được phản ánh điển hình
qua một bài
bình luận trên đài CNN của Bà Frida Ghitis….Nội dung bài bình luận, tác giả nhận
định đại ý rằng, dù phần đông ngươì dân Hoa Kỳ không muốn có thêm những hành động can thiệp
quân sự khác ở nước ngoài và cho dù những người hoài nghi cho rằng hành động
quân sự sẽ không hiệu quả, chỉ đưa đến những hậu quả khôn lường, nhưng nếu Hoa
Kỳ không hành động thì có thể đưa đến hậu quả nguy hiểm và tốn kém hơn là một
cuộc can thiệp hạn chế. Dựa trên nhận định này Bà Frida Ghitis đã đưa ra 5
lý do khiến Mỹ phải trừng phạt Syria.( Five reasons the U.S.
must intervene in Syria).
-
Hoa Kỳ phải trừng phạt Syria để các nhà độc
tài và các chế độ độc tài khác không dám coi thường “khi
Tổng Thống Hoa Kỳ đã nói rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là bước qua “làn ranh đỏ”,
các chính quyền khác theo dõi chặt chẽ xem điều đó có nghĩa là gì. Nếu “làn ranh đỏ”
bị vượt qua, giống như hiện nay ở Syria, mà không có điều gì xảy ra, sẽ là một
tín hiệu rõ ràng cho các chính quyền hiện tại và tương lai có thể đe dọa lợi
ích của người Mỹ và những thông lệ quốc tế căn bản…”.(Lý do 1).
-
Hoa Kỳ phải trừng phạt Syria vì “Chính quyền Syria
được xem là đã sử dụng khí độc để giết hại hàng trăm dân thường. Nếu không có
phản ứng gì với Syria, thì đây không phải là lần cuối cùng vũ khí giết người
này được sử dụng. Vũ khí hóa học không những chỉ “hấp dẫn” các nhà độc tài
không chịu từ bỏ quyền lực, mà còn là thứ vũ khí lý tưởng cho bọn khủng bố…”
(Lý do 2)
- Hoa Kỳ phải trừng phạt Syria vì đã đến lúc có thời cơ can thiệp để thực
hiện ý muốn của mình là “Từ trước đến nay, Hoa Kỳ hầu như giữ khoảng
cách trong cuộc nội chiến Syria.
Hai năm trước, Tổng thống Obama tuyên bố rằng ông Assad “phải ra đi”. Một năm trước, ông Obama vạch ra “làn ranh đỏ”. Nhưng bất kỳ hy vọng nào cho rằng tình hình có thể tự
giải quyết bằng cách nào đó, thì chỉ đưa đến kết quả tồi tệ nhất mà thôi…”(
Lý do 3)
- Hoa Kỳ phải trừng phạt Syria
vì cần thành đạt mục tiêu chiến lược trong vùng.“Nếu Hoa Kỳ không hành động,
là đồng nghĩa với việc trao chiến thắng vào tay ông Assad, Iran và Hezbollah…Nếu
không có hành động mạnh mẽ của Hoa Kỳ, thì những thành quả mới nhất cho chính
quyền ông Assad là mang thắng lợi cho Iran và Hezbollah; đem lại động lực cho
liên minh này là đi ngược lại sự ổn định, hòa bình của khu vực và thế giới. Iran
và Hezbollah có “hồ sơ bất hảo”, đã tiến hành một loạt làn sóng tấn công khủng
bố ở Châu Á, Châu Âu và châu Mỹ Latinh.” (Lý do 4)
-Hoa Kỳ phải trừng phạt Syria để chứng tỏ Hoa Kỳ không chỉ đe dọa, đã nói là làm để thành đạt
mục tiêu tối hậu của mình.Rằng
“Cuộc chiến ở Syria mới kéo dài 2 năm
rưỡi. Trong thời gian đó, đã chứng tỏ sự tàn bạo và hủy diệt…”; do đó “Hoa Kỳ và đồng minh cần phải tấn công Syria
theo cách của mình để thấy, thế giới không thể dung thứ việc sử dụng vũ khí hóa
học, và chứng minh rằng những lời đe dọa và cam kết quốc tế của Hoa Kỳ có ý
nghĩa và có trọng lượng. Ngoài ra, Washington
cần phải làm những gì nên làm từ lâu rồi…” (Lý do 5).
Cả
năm lý do trên, theo nhận định của chúng tôi, đều quy về một mối:Phải đánh Syria để bảo vệ uy thế và quyền
lợi của quốc gia Hoa Kỳ, một cường quốc hàng đầu bao lâu nay theo đuổi chủ nghĩa bá quyền, tự nhận có trách
nhiệm đem ánh sáng tự do, dân chủ, nhân quyền đến cho các dân tộc và đóng vai
trò cảnh sát quốc tế để cùng các cường quốc cực khác thiết lập, duy trì bảo vệ nền
an ninh trật tự và hòa bình thế giới.
Thế nhưng, trong những
ngày tới đây, câu hỏi được đặt ra là, nếu Hội Đồng Bảo An LHQ không thông qua
được nghị quyết cho phép trừng pạt Syrya (gần
như là chắc chắn không thể), liệu Hoa Kỳ có đơn phương hay liên kết với
Pháp và một số nước đồng minh khác sử dụng biện pháp quân sự trừng phạt Syria
hay không?
Câu trả lời không thể khẳng định mà chỉ dự
đoán:
-
Nếu được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ hậu
thuẫn mạnh mẽ với đa số tuyệt đối thông
qua một nghị quyết cho phép trừng phạt Syria có giới hạn (60
ngày + 30 ngày option, không dùng bộ binh, mục tiêu giới hạn…như dự thảo đề
nghị của Uy Ban Ngoai Giao Thượng Viện chẳng hạn), và qua các cuộc thăm dò
khả tín, lại được đa số nhân dân Hoa Kỳ
ủng hộ, Tổng Thống Obama sẽ ra lệnh thực hiện biện pháp quân sự trừng phạt
Syria, vì uy thế và quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ.
-
Nếu Nghị quyết trừng phạt Syria chỉ được
lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua với đa số tương đối, cùng với đa số nhân
dân Hoa Kỳ qua các cuộc thăm dò không tán thành việc trừng phạt quân sự Syria. Trong trường hợp này,theo suy đóan của
chúng tôi Tổng Thống Obama có thể tính toán lợi hại để quyết định “đánh
Syria” (Nếu vì quyền lợi của tập đoàn tư bản lũng
đoạn nhà nước làm giầu bằng chiến tranh và nhờ chiến tranh) hay quyết định “Không
đánh Syria” (Nếu vì quyền lợi của nhân dân Hoa Kỳ, những
người phải đóng thuế tiền bạc và máu xương cho các cuộc chiến, và nhiều thế hệ
phải gánh chịu công trái ngày một chồng chất do các cuộc chiến hay tài trợ cho
các hoạt động khuynh đảo ngoài nước Mỹ của các chính phủ Hoa Kỳ).
- Nếu cả lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ ra nghị
quyết không hậu thuẫn và đa số dân chúng Mỹ không tán thành biện pháp quân sự
trừng phạt Syria, tất nhiên Tổng Thống Obama sẽ phải chọn một giải pháp khác mà vẫn có thể thành
đạt hiệu quả: buộc được nhà cầm quyền Al Assad trong tương
lai không được sử dụng vũ khí hoa học
nữa.
III/-KẾT LUẬN:
*Để kết luận, chúng tôi có nhận định lạc quan rằng, tuy
“Tiếng
trống trận khơi mào cuộc chiến ở Syria đã dồn dập” trong những ngày qua (theo cách mô tả của tác giả bài “ 5 reasons the U.S. must intervene in Syria
cua CNN)nhưng cuối cùng có lẽ Hoa Kỳ sẽ không phải dùng đến biện
pháp quân sự trừng phạt Syria, mà sẽ dùng giải pháp chính trị, ngoại giao có hiệu quả (mà biện pháp
trừng phạt quân sự chưa chắc có hiệu quả hơn) để thành đạt mục
đích: buộc
được chính quyền Al Assad trong tương lai không xử dụng vũ khí hoa học bị cấm
chỉ nữa.( mà biện pháp trừng phạt quân sự chưa chắc đạt được, có khi còn đưa đến
những hậu quả tai hại khó lường, vượt khỏi tầm tay kiển soát của cả đôi bên,
cuộc chiến có thể kéo dài thêm, cường độ lên cao ngoài ý muốn, mức độ tàn khốc cao
hơn, nếu Al Assad bị đẩy vào thế chân tường liều lĩnh đem vũ khí hóa học ra
chiến trường, thương vong tăng lên gấp bội thì sao?). Tỷ như, thông qua
đường lối chính trị ngoại giao đa phương (giữa
Hoa Kỳ, Anh, Pháp với Nga, Tầu qua trung
gian Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc…) đã đạt được những thỏa thuận và cam kết buộc
được chính quyền Damas từ nay không những không xử dụng vũ khí hóa học; mà biết
đâu còn có thể ép buộc được Tổng Thống Al Assad phải chấp nhận giải pháp ngồi
vào bàn hội nghị thương lượng nghiêm chỉnh với phe dân quân nổi dậy, để chấm
dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn hai năm qua, lập lại Hòa Bình cho Syria và
biết đâu là tiền đề cho sự tái lập ổn định tại các nước trong vùng Trung Đông đang
có xáo trộn, xung đột như Ai Cập, Lybia…Những
cái “Biết
đâu” này có thể đã và đang âm thầm diễu ra
và sẽ tỏ rõ vào thời điểm thích hợp, sau khi Hoa Kỳ có quyết định không dùng
biện pháp quân sự trừng phạt Syria, vì giải pháp chính trị ngoại giao đã được
Hoa Kỳ âm thầm chủ động tiến hành, nên vẫn bảo tồn được uy thế và quyền lợi
quốc gia Hoa Kỳ trên hồ sơ Syria.
Tình hình căng thẳng ở vùng Trung Đông
hiện nay gây ra từ sự kiện Syria xử dụng vũ khí hóa học, khiến chúng tôi liên
tưởng đến tình hình căng thẳng trên bán
đảo Triều Tiên gây ra từ hành động hung
hăng hiếu chiến của chế độ độc tài toàn trị Bắc Triều Tiên, để suy đoán có lẽ
rồi đâu cũng vào đấy thôi, đòn trừng phạt quân sự Syria có lẽ sẽ không xẩy ra.
Nhận định lạc quan trên đây, chúng tôi nghĩ
cũng là ước muốn chung của nhân dân Hoa Kỳ, nhân dân tất cả các nước và chính
phủ các quốc gia yêu chuông công lý và hòa bình trong cộng đồng thế giới.Vì vậy
ai cũng cầu nguyện theo niềm tin tôn giáo để nhận định lạc quan trên sớm có cơ
may trở thành hiện thực.
Thiện Ý
Houston, ngày 8 Tháng 9 Năm 2013.