Nhân định:
CÔNG HÀM NGÀY 14-9-1958 DO CỐ THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG
CỦA VIỆT NAM
KÝ LÀ VÔ HIỆU VỀ MẶT PHÁP LÝ.
Thiện Ý
Trong thời gian gần đây, kể từ sau khi nhà
cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên kéo và
đặt đặt giàn khoan số hiệu HD-981 vào sâu đến 80 hải lý trong thềm lục địa
thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, các viên chức thuộc Bộ
Ngoại Giao và học giả hai nước Việt-Trung đã có lời qua tiếng lại tranh cãi về
công hàm ngày 14-9-1958 do cố Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng
đã ký liên quan đến chủ quyền hai quần đảo ở biển Đông là Hoàng Sa (mà Trung
Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa ( mà Trung Quốc gọi là Nam Sa).
Qua cuộc tranh cãi dường như phía Trung
Quốc đã và đang muốn sử dụng bức công hàm ngày 14-9-1958 như một căn cứ pháp lý
để hợp pháp hóa sự xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988)
của Việt Nam, theo thiển ý, nếu vụ việc được đưa ra trước cơ quan tài phán quốc
tế,Việt Nam có thể đánh đổ bằng các luận cứ chứng minh rằng Công hàm ngày 14-9-1958 là vô hiệu cả hình
thức lẫn nội dung.
- Về
hình thức, công hàm do Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký ngày 14-9-1958
chỉ là công hàm ngoại giao, không có hiệu lực pháp lý như một hiệp ước
chuyển nhượng chủ quyền lãnh thổ (như
hiệp ước Nga Hoàng chuyển nhượng lãnh thổ Alaska của Nga cho Mỹ trong lịch sử
lập quốc Hoa Kỳ ).Công hàm này quá lắm chỉ có ý nghĩa chính trị trong thời
khoảng cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng xẩy ra trên cùng một đất nước thống
nhất, giữa hai chế độ đối nghịch:Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH:cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam) và
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH:quốc gia ở
Miền Nam Việt Nam). Ý nghĩa đó chỉ là sự tán đồng bề ngoài về
mặt ngoại giao của người đứng đầu chính phủ Miền Bắc, như là ngầm để cho Trung
quốc cùng phe cộng sản xâm chiếm giúp
cho các hải đảo đang thuộc chủ quyền của đối phương là VNCH trong âm mưu thôn
tính toàn bộ Miền Nam,cộng sản hóa toàn cầu, tiến tới thế giới đại đồng không
còn biên giới quốc gia theo chủ trương của cộng sản quốc tế đứng đầu là Liên Xô
và Trung Quốc lúc đó.
- Về nội dung công hàm 14-9-1958 của Thủ
Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng chỉ là sự lên tiếng tán đồng tổng
quát tuyên
bố đơn phương ngày 04/9/1958 của Thủ
tướng Chu Ân Lai về lãnh thổ, lãnh hải và hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của
Trung Quốc,dù nội dung tuyên bố đơn phương này có bao gồm hai quần đảo
Tây Sa (tức Hòàng Sa của Việt Nam) và
Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam),
nhưng công hàm của Thủ Tướng Việt Nam đã minh thị giới hạn chỉ tán thành“quyết định về hải phận của Trung Quốc”, chứ
không tán thành toàn văn bản tuyên bố, nên mới viết “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ
chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12
hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa
trên mặt bể…”.
Theo nhận định của chúng tôi, sở dĩ công
hàm ngày 14-9-1958 của Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ tán đồng tổng
quát bàn Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Thủ tướng Trung Quốc, và rồi giới hạn sự
tán đồng vào hải phận 12 hải lý của
Trung Quốc, là vì có hai sự ngăn cản pháp lý liên quan đến thẩm quyến quản lý
và sự vẹn toàn lãnh thổ thống nhất đất nước quy định trong các điều khoản của
hai Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954 và Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973.
Thật vậy, về thẩm quyền quản lý đất nước,
lúc đó Việt Nam trong tình
trạng qua phân với hai chế độ đối nghịch trên hai miền của một đất nước thống
nhất: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (cộng sản Bắc Việt) và
Việt Nam Cộng Hòa (quốc gia Miền Nam).
Thực trạng tương tự như một đất nước Trung Hoa với hai chế độ khác biệt:Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên lục địa và Trung Hoa Dân Quốc trên quần đảo Đài
Loan. Chính phủ VNDCCH chỉ có quyền và trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ, lãnh
hải và các hải đảo của nước Việt Nam nằm trên vĩ tuyến 17. Trong khi
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có quyền và trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ, lãnh
hải và các hải đảo của Việt Nam
nằm dưới vĩ tuyến 17. Sự phân định này do Hiệp Định Genève 1954, lấy vĩ tuyến
17 làm ranh giới tạm thời và sẽ thống nhất sau
hai năm bằng một cuộc tổng tuyển cử trên cả nước.Thế nhưng trên thực tế
cuộc tổng tuyển cử này đã không thực hiện được do ý đồ của ngoại bang, để rồi
sau đó chính quyền Miền Bắc đã dựa vào sự chi viện phương tiện chiến tranh, vũ
khí giết người của Trung quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa phát động
cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước bằng bạo lực quân sự. Cuộc chiến
tranh cốt nhục tương tàn kéo dài 21 năm (1954-1975) kết thúc vào ngày 30-4-1975
thống nhất đất nước, dưới một chế độ duy nhất là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam (CHXHCNVN) ngày nay.
Trong thời gian nội chiến Quốc-Cộng
(1954-1975) hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếu theo Hiệp Định Genève 1954 thuộc quyền và trách
nhiệm chiếm dụng và quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền VNCH
đã thể hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm
này về mặt hành chánh cũng như pháp lý (Hoàng
Sa thuộc tỉnh Quảng Nam Đà
Nẵng và Trường Sa thuộc Bà Rịa- Vũng Tầu của Việt Nam). Trên thực tế chính quyền
VNCH vẫn thể hiện chủ quyền bằng sự chiếm giữ lâu dài và liên tục,với sự bảo vệ
của hải quân VNCH cho đến khi bị Trung Quốc đánh chiếm vào ngày 17- 1-1974.
Ngay sau đó chính quyền VNCH ở Miền Nam Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ và
công bố Bạch Thư xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, được xác lập từ lâu về mặt lịch sử, pháp lý, hành chánh cũng như
chiếm cứ liên tục. Tuyên cáo của
Bộ Ngoại Giao VNCH ngày 19/01/1974
nguyên văn trích đoạn như sau:
“ Nghĩa
vụ cao cả của một chính phủ là bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ
của một quốc gia. Chính phủ VNCH cương quyết làm tròn nghĩa vụ ấy, bất luận gặp phải những khó khăn trở ngại
có thể gặp phải và bất chấp sự phản đối không căn cứ dầu xuất phát ở đâu.Chừng
nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ
ấy của VNCH bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy chính phủ và nhân
dân nước VNCH còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.
Trong dịp này, chính phủ VNCH cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của VNCH trên những hòn đảo
nằm ở ngoài khơi bãi biển Trung phần và bãi biển Nam phần Việt Nam từ
trước tới nay vẫn được coi là phần lãnh
thổ của VNCH căn cứ trên những dữ kiện địa lý,lịch sử ,pháp lý và thực tế không
thể chối cãi được.Trung thành với chính sách hòa bình cố hữu của mình, chính
phủ VNCH sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp
quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy nhưng
nhất định không vì thế mà từ bỏ
chủ quyền của VNCH trên những phần đất ấy…”
Còn quần đảo Trường Sa, chính phủ CHXHCNVN
tiếp quản sau ngày thống nhất đất nước vẫn tiếp tục thể hiện chủ quyền bằng sự
chiếm giữ của hải quân Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cho đến năm 1988 thì bị hải
quân Trung Quốc tấn công xâm chiếm.
Thành ra, công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ
Tướng chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc Việt Nam đã không giám và
không có quyền tán đồng theo Tuyên bố đơn phương của Thủ tướng Chu Ấn Lai về
chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam)
và Nam sa (tức Trường Sa của Việt
Nam) là điều đương nhiên hợp tình và hợp lý lý, không thể hiểu khác được.
Tựu trung, nếu Trung Quốc chỉ dùng công
hàm do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14-9-1958 trong thời kỳ chính phủ của
ông chỉ có quyền quản lý một nửa đất nước Miền Bắc, thì hoàn toàn không có căn
cứ pháp lý để hợp pháp hóa các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường mà Trung Quốc
đã dùng bạo lực chiếm đoạt của Việt Nam. Ngay cả sau khi thống nhất đất nước cưỡn(30-4-1975),
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kế
thừa quyền quản lý toàn bộ đất nước, giả như nếu có sự “sang nhượng bí mật, bất hợp pháp giữa hai đảng và hai nhà nước cộng sản
Trung cộng và Việt cộng” thì quá lắm công hàm ngày 14-9-1958 cũng chỉ có giá trị như là một “Bản ghi nhớ” của hai bên trước công
khai khi ký kết hiệp ước song phương sang nhượng biển đảo.Bởi vì sau đó, giả
như dù hiệp ước sang nhượng này đã được các Thủ Tướng hai chính phủ Việt-Trung
ký kết, thì còn phải được sự phê chuẩn của Quốc Hội Việt Nam vốn được coi là cơ
quan đại diện quyền lực tối cao của nhân dân, thì hiệp ước mới có hiệu lực thi
hành.
Đó là thủ tục pháp lý cần thiết bó buộc
theo Hiến pháp và luật pháp quốc nội của cả hai nước Việt – Trung cũng như luật
pháp và tập quán quốc tế. Nhưng tất cả tiến trình pháp lý này đã không diễn ra,
thì công hàm ngày 14-9-1958 do Thủ Tướng VNDCCH ký trước sau gì vẫn vô hiệu về
mặt pháp lý; trước sau gì cũng chỉ có giá trị của một công hàm ngoại giáo mang
ý nghĩa chính trị mà thôi.
Thiện
Ý
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.