Wednesday, October 7, 2015

Nhân định: VIỆT NAM CẦN ĐƯA VỤ TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO RA TRƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VÀ CÁC CƠ QUAN TÀI PHÁN QUỐC TẾ.



Nhân định:
VIỆT NAM CẦN  ĐƯA  VỤ TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO RA TRƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC  VÀ CÁC CƠ  QUAN TÀI PHÁN QUỐC TẾ.
  
Thiện Ý
 Trong một chương trình phát thanh bằng Việt ngữ của đài Tiếng Nói Nhân Dân Trung Hoa nghe được hôm 15-5-2014 trên mạng lưới internet toàn cầu, một xướng ngôn viên dọng nữ đã đọc bản “Thông báo của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, trong đó Trung Quốc đã thừa nhận biển đảo Hoàng sa và Trường sa là của Việt Nam, nguyên văn như sau:
       Chúng tôi đồng ý là  Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển thuộc Việt Nam, nhưng Cộng Sản Việt Nam đã ký công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào ngày 7-6-1958. Trung quốc có đầy đủ những chứng cứ không thể chối cãi trên vùng biển và Trung quốc sẽ được khai thác dầu khí của Việt Nam, cộng sản Việt Nam sẽ không thể nào làm gì được…” (1)
    Như vậy là Trung Quốc đã muốn dùng công hàm do Thủ Tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây ở Miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam để làm căn cứ hợp pháp hóa sự xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một luận cứ hoàn toàn khác với luận cứ bao lâu nay của Trung quốc, rằng chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) là của Trung Quốc căn cứ trên bàn đồ lịch sử 9 đoạn bao gồm toàn bộ Biển Đông và các căn cứ khác không thể tranh cãi. Luận cứ này cũng cho người ta thấy dù trước đây “Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển thuộc Việt Nam”, nhưng nay thuộc chủ quyền Trung Quốc do đảng Cộng Sản Việt Nam đã sang nhượng để trừ món “nợ của Trung Quốc trên 870 tỷ về chiến tranh Điện Biên Phủ và chiến tranh chống Mỹ. Thời bây giờ các người đã nhượng biển đảo cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thì không có lý do nào các người không công bố cho tất cả mọi người dân biết để mà tiếp tục chống Trung Quốc…” (2).
      Thế nhưng chính những căn cứ và luận cứ trên của Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đưa vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo “Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển Việt Nam” ra trước Liên Hiệp Quốc hay cơ quan tài phán quốc tế. Việt Nam sẽ có thêm căn cứ pháp lý vững chắc, ngoài các căn cứ đã có về lịch sử, hành chánh, pháp lý và chiếm dụng thực tế để đòi buộc Trung Quốc phải trả lại các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm cứ. Về lý tình Việt Nam nhất định sẽ thắng nếu Việt Nam đưa vụ tranh chấp chủ quyến này ra Liên Hiệp Quốc hay trước cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.
   Thật vậy, điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trước cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền là Việt Nam không cần tranh cãi vì không cần phải chứng minh chủ quyền nguyên thủy của mình trên vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì Trung Quốc mới công khai nhìn nhận, lại còn như thách thức Việt Nam nếu đưa vụ việc ra trước Liên Hiệp Quốc, rằng “Chúng tôi (tức Trung Quốc) có đầy đủ những bằng chứng để đem ra Liên Hiệp Quốc và buộc CSVN phải rút hết tất cả những tầu chiến của họ và để cho tầu Hải Dương 981 được tiếp tục làm nhiệm vụ để thăm dò và khai thác dầu khí.”(3).
      Bây giờ Việt Nam chỉ cần biện chứng rằng chủ thể sang nhương là Đảng Cộng sản Việt Nam không có tư cách pháp lý và công hàm do Thủ Tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký ngày 7-6-1958 chỉ là công hàm ngoại giao, không có hiệu lực pháp lýđể được thi hành.
      Trước hết đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cầm quyền, không có tư cách thay mặt nhà nước để ký kết sang nhượng đất đai, biển đảo thuộc lãnh thổ quốc gia theo luật quốc nội cũng như công pháp quốc tế.Vì đó thuộc thẩm quyền nhà nước.
   Thứ đến công hàm do Thủ Tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký ngày 7-6-1958 về hình thức chỉ là một văn kiện ngoại giao, với nội dung lên tiếng tán đồng việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố  chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc lãnh thổ Trung Quốc với tên là Tây Sa và Nam Sa. Công hàm này chỉ có ý nghĩa chính trị và ngoại giao trong thời khoảng chiến tranh ý thức hệ giữa hai quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (cộng sản Bắc Việt)    Việt Nam Cộng Hòa (quốc gia Miền Nam). Ý nghĩa đó chỉ là sự tán đồng bề ngoài của Việt cộng để cho Trung cộng  cùng phe cộng sản xâm chiếm giúp cho các hải đảo đang thuộc chủ quyền của đối phương là Việt Nam Cộng Hòa trong âm mưu thôn tính toàn bộ Miền Nam.Như vậy, công hàm của Phạm Văn Đồng Thủ Tướng chính phủ VNDCCH ở Miền Bắc không có hiệu lực vì không có tư cách tuyên bố tán đồng việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa và vẫn thể hiện chủ quyền bằng sự chiếm giữ lâu dài và liên tục trên thực tế,với sự bảo vệ của hải quân VNCH cho đến khi bị Trung Quốc đánh chiếm vào ngày 17- 1-1974. Và ngay lúc đó chính quyền quốc gia VNCH ở Miền Nam Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ và công bố Bạch Thư xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được xác lập từ lâu về mặt lịch sử, pháp lý, hành chánh cũng như thực tiễn chính phủ VNCH đang quản lý.
    Thành ra, nếu Trung Quốc chỉ dùng công hàm do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 7-6-1958 trong thời kỳ chính phủ của ông chỉ có quyền quản lý một nửa đất nước Miền Bắc, thì hoàn toàn không có căn cứ pháp lý để hợp pháp hóa các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường  đã chiếm đoạt của Việt Nam. Ngay cả sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kế thừa quyền quản lý toàn bộ đất nước, thì công hàm ngày 7-6-1958 cũng  vẫn chỉ có giá trị như là một “Bản ghi nhớ” của hai bên trước khi ký kết hiệp ước song phương sang nhượng biển đảo.Bởi vì sau đó, giả như dù hiệp ước sang nhượng này đã được các Thủ Tướng hai chính phủ Việt- Trung ký kết, thì còn phải được sự phê chuẩn của Quốc Hội Việt Nam vốn được coi là cơ quan đại diện quyền lực tối cao của nhân dân, thì hiệp ước mới có hiệu lực thi hành.Đó là thủ tục pháp lý cần thiết bó buộc theo Hiến pháp và luật pháp quốc nội của cả hai nước Việt – Trung cũng như luật pháp và tập quán quốc tế.
       Vậy thì, nếu Việt Nam đưa vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Liên Hiệp Quốc hay cơ quan tài phán quốc có thẩm quyền, thì kết quả sẽ không như sự khẳng định trong “Thông Báo của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” mới đây, rằng “Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển sẽ không thể chối cãi là thuộc về chủ quyền của Trung quốc mà CSVN do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký kết vào năm 1958. Chúng tôi có đầy đủ những bằng chứng để đem ra Liên Hiệp Quốc và buộc CSVN phải rút hết tất cả những tầu chiến của họ và để cho tầu Hải Dương 981 được tiếp tục làm nhiệm vụ để thăm dò và khai thác dầu khí.”(5)
      Trái lại, phán quyết sau cùng của cơ quan tài phán quốc tế sẽ phải là:
   - Xác nhận chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, không cần tranh cãi. Vì chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận bằng “Thông cáo của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” ngày 15-5-2014 được phổ biến công khai trên các phương tiện truyền thông quốc nội cũng như quốc tế.
   - Bác khước luận cứ  của chính phủ  nước Cộng Hòa Nhân Dân Dân Trung Hoa đưa ra để duy trì sự chiếm đóng vĩnh viễn các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vì căn cứ đưa ra (Công Hàm ngày 7-6-1958) là hoàn toàn vô hiệu cả về hình thức lẫn nội dung.Mọi cam kết bí mật giữa đảng CSVN và nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nếu có) trong quá khứ đều vô hiệu. Vì đảng CSVN không có  thẩm quyết kết ước liên quan đến lãnh thổ quốc gia và không kết ước theo đúng thủ tục luật định (luật quốc gia cũng như luật quốc tế).
   - Truyền chính phủ  Trung Quốc phải trao trả lại cho chính phủ Việt Nam toàn bộ các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm dụng.

      Đó là phán quyết công bình, hợp lý, đúng theo luật pháp quốc tế và quốc nội của các quốc gia dân chủ, văn minh, góp phần cho việc ổn định trật tự và củng cố nền hòa bình thế giới, để mọi dân tộc có điều kiện và môi trường sống chung hài hòa, mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung trên hành tinh này.
   Thế nhưng nếu có một phán quyết nội dung như vậy, việc thi hành được hay không còn tùy thuộc vào Trung Quốc bên thua kiện.Thực tế ai cũng thấy bao lâu nay Trung Quốc luôn hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế thì việc thi hành một phán quyết về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam thật khó mà được Trung Quốc tự giác chấp hành./.
 Thiên Ý
Houston, ngày 22-5-2014.
 *(1),(2), (3),(4),(5) Trích nguyên văn từ “Thông báo của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” phổ biến trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung quốc và  internet toan cầu. Xin vào: luatkhoavietnam, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục “Lãnh thổ-Lãnh hải” để đọc toàn văn Thông báo này nơi bài “Cảm nghĩ của một quốc dân Việt Nam sau khi nghe và viết lại thống báo của quân cướp nước Tầu cộng” ./.



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.