Wednesday, October 7, 2015

VIỆT NAM CẦN CHUYỂN ĐỔI QUA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHẤT NGUYÊN DÂN TỘC.



VIỆT NAM CẦN CHUYỂN ĐỔI QUA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ  NHẤT NGUYÊN DÂN TỘC.

Thiện Ý

     Trong bài viết nhan đề “Việt Nam đã và đang đi về đâu” được Đài VOA cho đăng tải trên diễn đàn này trước đây, chúng tôi đã khẳng định một cách có căn cứ rằng“Việt Nam đã và đang đi đến dân chủ” và nhất định phải đi đến dân chủ. Bài viết này chúng tôi đề nghị Việt Nam cần chuyển đổi “chế độ độc tài nhất nguyên xã hội chủ nghĩa hiện nay qua “chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc”.
     Nội dung bài viết lần lượt trình bầy:
-       Thế nào là một chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc.
-       Vì sao Việt Nam cần chuyển đổi qua chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc.
-       Những phương cách chuyển đổi hòa bình từ chế độ độc tài nhất nguyên XHCN qua chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc.
-       Kết luận.

I/- THẾ NÀO LÀ MỘT CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHẤT NGUYÊN DÂN TỘC.
   
     Theo quan niệm của chúng tôi rất đơn giản, chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc là chế độ dân chủ cai trị bằng luật pháp (pháp trị),khác với chế độ  độc tài toàn trị nhất nguyên XHCN cai trị bằng nghị quyết của đảng CS (nghị trị hay đảng trị), xây dựng trên nền tảng một cái nguyên chung, nguồn gốc chung là nguồn gốc dân tộc Việt, không dựa trên một chủ nghĩa độc tôn nào, mà vận dụng có chọn lọc mọi ưu điểm của bất cứ chủ nghĩa cổ kim nào (đa chủ nghĩa)  thích dụng với thực trạng đất nước, vào chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam tương lai. Điển hình cụ thể, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, nếu có những luận điểm, nguyên tắc cai trị hữu dụng, thích hợp, khả thi, có hiệu quả thực tiễn, đem lại lợi ích cho dân cho nước và dân tộc trước mắt cũng như lâu dài cho mai sau, đều có thể vận dụng vào chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc tại Việt Nam.
     Trong khung cảnh chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc này, mọi người dân Việt Nam, thuộc mọi giai tầng xã hội, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đều được tôn trọng, bảo vệ và hành xử  các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền; đều được sống bình đẳng, tự do, âm no, hạnh phúc, trong một đất nước phát triển toàn diện đến phú cường và văn minh tiến bộ theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Đồng thời, cũng trong khung cảnh chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc, chúng ta mới có điều kiện  thuận lợi đoàn kết, thống nhất được toàn lực quốc gia, để xây dựng, phát triển toàn diện đất nước và bảo vệ được đất nước trước họa ngoại xâm, và những nguy cơ bất cứ từ đâu tới.

II/- VÌ SAO VIỆT NAM CẦN CHUYỂN ĐỔI QUA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHẤT NGUYÊN DÂN TỘC?
     Sở dĩ chúng tôi đề nghị cho tương lai một chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc, là vì trong quá khứ, cũng chỉ vì muốn thực hiện cái gọi là chế độ độc tài (hay chuyên chính)nhất nguyên xã hội chủ nghĩa (Việt cộng) hay chế độ dân chủ đa nguyên tư bản chủ nghĩa (Việt quốc),bất kể tình tự dân tộc và bất lợi cho đất nước,chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân và tập đoàn thống trị, nên đã bị ngoại bang đẩy đưa Việt Nam vào một cuộc nội chiến ý thức hệ, đất nước tan hoang,lòng người ly tán, nhân dân hai miền Bắc-Nam khốn khổ, cơ cực lầm than, phải hy sinh nhiều xương máu trong một cuộc chiến “cốt nhục tương tàn”,tình tự dân tộc trở thành xa lạ, gây hận thù, làm phân hóa dân tộc (1954-1975).
    Vì sao Việt Nam ra nông nỗi này?
     Là vì lãnh tụ Hồ Chí Minh của đảng CSVN  đã nói một câu rất đúng, nhưng Ông và cả cái đảng CSVN của Ông đã không thực hiện theo ý nghĩa câu nói này: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân  lý ấy không bao giờ thay đổi.Trái lại, trên thực tế trong quá khứ, Ông Hồ và đảng CSVN đã chỉ dùng câu nói nay làm khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị, dùng tình tự dân tộc để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm để lôi kéo nhân dân kháng chiến chống Pháp giành độc lập (1945-1954).Thế nhưng độc lập dân tộc chỉ là bánh vẽ, là mục tiêu giai đoạn che dấu mục tiêu tối hậu là cộng sản hóa Việt Nam sau này;và sau khi thống trị một nửa đất nước Miền Bắc, tiếp tục làm chiến tranh giải phóng Miền Nam (1954-1975), thống nhất đất nước dưới chế độ độc tài toàn trị nhất nguyên XHCN (1975-2015), hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cộng sản (mục tiêu tối hậu).Như vậy, trước sau gì, Việt cộng đã coi dân tộc chỉ là phương tiện,là công cụ để thành đạt mục tiêu tối hậu đưa cả dân tộc vào vòng cương tỏa của cộng sản quốc tế, phản hóa dân tộc, với chủ trương tam vô: vô tổ quốc (cùng nghĩa với phi dân tộc), vô gia đình và vô tôn giáo.
     Chính vì vậy mà trong quá khứ xa gần, chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi những người Việt Nam cộng sản (Việt cộng) cũng như những người Việt Nam không cộng sản (Việt quốc) hãy cùng đứng trên lập trường dân tộc, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa yêu nước để giải quyết những mâu thuẫn phát xuất từ những vấn nạn của đất nước, để tránh những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân cho nước.
-       Khi còn là một sinh viên, trong “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo hai Miền Bắc-Nam vào thời điểm Hội Nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại Hòa bình Việt Nam khởi sự ít lâu, đăng tải trên Nội san Sinh Viên Tiến Bộ Luật Khoa, dưới bút hiệu Mai Hương, chúng tôi đã tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo hai Miền Bắc-Nam “Nhân cơ may lịch sử này, cùng nhau tìm ra một giải pháp phù hợp với thực trạng Đất nước và nương theo ý đồ quốc tế có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, để chấm dứt sự đổ máu vô ích cho thế hệ thanh niên chúng tôi trên cả hai Miền Bắc-Nam…”. (1)
            Tiếc răng lời kêu gọi và những đề nghị chân thành thể hiện ước muốn chung của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam thời bấy giờ đã không được các nhà lãnh đạo hai miền Bắc-Nam quan tâm, chỉ là tiếng kêu lạc lõng trong sa mạc, bị nhận chìm trong tiếng bom gào đạn thét. Vì giải pháp khác đã được ngoại bang sắp xếp và áp đặt. Vì sự vâng phục, lòng háo thắng, đam mê quyền lực và quyền lợi cá nhân và tập đoàn thống trị đã che lấp sự khôn ngoan, hủy diệt lòng yêu nước và tình tự dân tộc của quý vị. Vì quý vị đã đặt quyền lợi cá nhân và tập đoàn trên quyền lợi dân tộc, đất nước và nhân dân…
     Sau khi cuộc nội chiến Quốc- Cộng chấm dứt vào ngày 30-4-1975, trong tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Chiến Lược Toàn Cầu Mới Của Các Cường Quốc Cực” khởi thảo vào năm 1977,chúng tôi đã viết: “ Tôi tha thiết kêu gọi những người đang theo con đường chống cộng một chiều cần suy nghĩ lại, bởi vì không có ai thương người Việt Nam bằng chính người Việt Nam; và Tôi cũng khẩn thiết kêu gọi những người đang miệt mài xây dựng một “Thiên đường Cộng sản” trên đất nước này cần xét lại. Bởi vì biên giới quốc gia muôn đời vẫn là cái giới hạn, trong đó quyền lợi của các dân tộc sống chung phải được bảo vệ trên hết và trước hết.
      “Chỉ có đứng trên lập trường dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước, chúng ta mới có thể tìm ra được con đường đúng nhất,có lợi nhất cho dân tộc Việt Nam, phù hợp với ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, chứ không phải tham vọng của những người cầm quyền…” (2)
        Năm 1992, đến Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình (vì không có diện cho người tù phản động), tài liệu cô đọng khoảng 30 trang đánh máy trên đã được khai triển thành cuốn sách dầy  khoảng 500 trang nhan đề “Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới”, ấn hành lần đầu năm 1995 và tái bản năm 2005 tại Hoa Kỳ. Trong phần IV: “Việt Nam Lạc Quan Tin Tưởng Hướng Vế Tương Lai”, chúng tôi đã thử đề nghị một “giải pháp ba bước đến nền dân chủ nhất nguyên dân tộc” (Hội nghị hóa giải mâu thuẫn về lãnh đạo dân tộc – Hội nghị thống nhất toàn lực quốc gia- Hình thành chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc) (3).
     Trả lời cuộc phỏng vấn khoảng 30 phút của đài VOA trong lần ra mắt đầu tiên ở Houston,được phát về Việt Nam trong hai chương trình liên tiếp tối Thứ Bẩy trung tuần tháng 5 năm 1995, chúng tôi đã kêu gọi Những người cộng sản Việt Nam hãy từ bỏ con đường nhất nguyên xã hội chủ nghĩa và tôi cũng kêu gọi những người Việt Nam không cộng sản, đừng đòi hỏi phải xây dựng chế độ đa nguyên theo kiểu tư bản chủ nghĩa, mà hãy trở về cái nguyên chung, nguồn gốc chung là nguôn gốc dân tộc, để xây dựng một nền dân chủ nhất nguyên dân tộc…”.(4)
   
III/- NHỮNG PHƯƠNG CÁCH CHUYỂN ĐỔI HÒA BÌNH CHẾ ĐỘ NHẤT NGUYÊN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA QUA  DÂN CHỦ NHẤT NGUYÊN DÂN TỘC.

    Theo nhận định của chúng tôi, căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam và thế giới trong bối cảnh chiến lược toàn cầu của các cường quốc, thì có hai phương cách chuyển đổi hòa bình, theo một tiến trình thời gian phù hợp (5 năm chẳng hạn) để tránh bất ổn gây bất lợi cho đất nước.
·      Một là Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam (Việt cộng) ngay từ đầu hợp tác với các lực lượng quốc gia dân tộc dân chủ gồm các chính đảng và các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước (Việt quốc) để cùng thực hiện một tiến trình chuyển đổi thích hợp, khả thi,  để dân chủ hóa Việt Nam.
     Phương cách này về nguyên tắc là tối ưu, là thượng sách, là lý tưởng song thực tế khó thực hiện. Vì cho đến thời điểm này về phía Việt cộng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy  họ sẵn sàng muốn có sự hợp tác với Việt quốc để cùng thực hiện một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, vẫn muốn độc quyền cai trị và độc tôn làm tất cả theo ý muốn chủ quan của mình.
     Trong khi đó, về phía Việt quốc cho đến lúc này nội bộ vẫn ở tình trạng phân hóa đa đầu, chưa thống nhất được về mặt tổ chức cũng như việc hợp tác với Việt cộng để cùng làm bất cứ điều gì cho dân tộc và đất nước. Nội bộ Việt quốc vẫn còn mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng chống cộng về  vấn đề đối thoại với Việt cộng để đi đến hòa giải và hòa hợp dân tộc theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm từ này. Đó là chưa kể những khó khăn không thể vượt qua trước vấn đề ai có đủ tư cách đại diện Việt quốc tham gia hợp tác với Việt cộng để cùng làm công việc dân chủ hóa đất nước.
     Đây là phương cách chúng tôi đã đề nghị nằm 1995 qua “Giải pháp ba bước đến nền dân chủ nhất nguyên dân tôc” (Hội nghị hóa giải mâu thuẫn về lãnh đạo dân tộc – Hội Nghị thống nhất toàn lực quốc gia – Hình thành chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc) (5)
·      Hai là Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam (Việt cộng) tự nguyên, tự giác, chủ động tự chuyển đổi qua chế độ dân chủ theo một tiến trình thời gian thích hợp.
     Phương cách này  phù hợp với luận lý và khả thi trên thực tế, có lợi cho đất nước và có lợi cho chính đảng CSVN.Theo đó đảng CSVN có thể thực hiện tiến trình chuyển đổi một cách tổng quát như sau:
   1.- Đảng CSVN cần biến Đại Hội Toàn Đảng thứ 12 vào năm 2016 thành “Đại Hội Chuyển Đổi”. Nghị trình Đại Hội tập trung bàn thảo một vấn đề hàng đầu là  nhu cầu cấp thiết phải “chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị nhất nguyên Xã Hội Chủ Nghĩa qua chế độ dân chủ pháp trị nhất nguyên dân tộc,đa chủ nghĩa” (Nếu chấp nhận đề nghị của chúng tôi) ;chuyển đổi sao cho an toàn, ổn định, vì lợi ích tối thượng của Đất Nước,dân tộc và Tổ Quốc Việt Nam, và lợi ích cho chính đảng CSVN.
    2.- Kết thúc Đại Hội là một “Nghị Quyết chuyển đổi” nội dung nêu rõ:
-       Lý do, lợi ích và nhu cầu cấp thiết cần “Chuyển Đổi”.
-       Nội dung “Chuyển Đổi”
-       Tiến trình thực hiện “Chuyển Đổi”
-       Vai trò, nhiệm vụ của đảng CSVN và Nhà nước (Quốc Hội, cơ cấu chính quyền đương nhiệm các cấp, các ngành..) trong “Sự nghiệp chuyển đổi”.
     Căn cứ vào “Nghị  Quyết Chuyển Đổi” của Đại Hội Toàn Đảng CSVN Lần Thứ 12, Đảng CSVN chiếu nhiệm vụ thực hiện “Chuyển đổi cơ chế và  hoạt động Đảng” sao cho phù hợp với khung cảnh chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Nhà nước bao gồm Quốc Hội và các cơ quan dân cử các cấp; chính phủ với chính quyền các cấp từ trung ương đến các địa phương chiếu nhiệm vụ “chuyển đổi” về mặt pháp lý (Hiến pháp, luật pháp, lập quy…) cũng như thực tế (cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành và các hoạt động…) sao cho phù hợp với khung cảnh chế độ dân chủ pháp trị nhất nguyên dân tộc, đa đảng…

IV/- KẾT LUẬN:
    Tương lai sớm muộn Việt Nam nhất định sẽ đi đến dân chủ, đó là một tất yếu phù hợp với xu thế thời đại và chiều hướng phát triển không thể đảo ngược của lịch sử và thực tiễn Việt Nam. Vấn đề chỉ còn là thời gian, mà nếu những người lãnh đạo đảng và chế độ đương quyền tại Việt Nam biết khôn ngoan hơn thì sẽ rút ngắn thời gian đi đến tương lai đó.
    Một cách cụ thể là các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay hãy biến Đại Hội Lần Thứ 12 của Đảng CSVN sắp tới đây thành “Đại Hội Chuyển Đổi”  với một nghị quyết đưa ra một tiến trình chuyển đổi cụ thể về pháp lý cũng như thực tiễn, sao cho kết thúc tiến trình chuyển đổi hòa bình  này Việt Nam có được “một chế độ dân chủ nhất nguyên dân tộc”. Vì chỉ trên cơ sở  dân tộc và dưới ánh sáng chủ nghĩa yêu nước, trong khung cảnh chế độ dân chủ này, chúng ta mới đoàn kết, thống nhất được toàn lực quốc gia để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại. Từ đó, chúng ta mới có thế và lực vững chắc bảo vệ độc lập dân tộc và đập tan mọi cuồng vọng xâm lăng bất cứ từ đâu tới.
     Giờ lịch sử đã điểm, thời cơ đã đến, Việt Nam đang hội đủ các điều kiện “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để lật qua một trang sử đen tối, mở ra một trang sử tưới sáng, tốt đẹp cho dân tộc và đất nước.Tất cả chỉ còn tùy thuộc vào nhận thức, thái độ và hành động chọn lựa thức thời, khôn ngoan của những người lãnh đạo có trách  nhiệm của đảng và nhà nước đương quyền tại Việt Nam./.

Thiện Ý
Houston, ngày 18 tháng 8 năm 2015

(1).- Trong thư ngỏ, chúng tôi đã dùng biểu tượng hai con tầu Bắc – Nam cùng đi về một bến, trong một giả định rằng tất cả quý vị lãnh đạo hai miền đang lèo lái hai con tầu ấy đều có chung lòng yêu nước, đều có thiện chí muốn đưa dân tộc đến bến vinh quang. Lập luận rằng: Vì hai con tầu mang hai nhãn hiệu đối nghịch URSS (Bắc) và USA (Nam), đi theo chiều ngược nhau, tạo phản lực, gây thương tích hoặc tử vong cho những hành khách bất đắc dĩ trên hai con tầu ấy là chúng tôi (thanh niên Việt Nam) và nhân dân hai miền nói chung. Lúc ấy, chúng tôi đã mạo muội đề nghị, nếu quý vị không thể cùng nhau tìm ra được con đường chung tốt hơn cho dân tộc, thì xin tạm thời đường ai nấy đi, để chờ cơ may thống nhât Đất nước một cách hòa bình. Trong khi chờ đợi cơ may ấy, quý vị cố găng khai thác triệt để mâu thuẫn quốc tế (Chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng sản và Tư bản) để làm lợi cho dân tộc. Đồng thời, vận dụng mọi thuận lợi  hai bên cùng thể nghiệm hai mô hình chế độ chính trị (Xã Hội Chủ Nghĩa chuyên chính và Cộng hòa dân chủ tự do) để trong tương lai khi có điều kiện nhân dân hai miền sẽ lựa chọn bằng phương thức dân chủ (lá phiếu ) mô hình chế độ chính trị nào thích dụng.
(2).- Tài liệu “Việt Nam trong Chiến Lược Toàn Cầu Mới Của Các Cường Quốc Cực” này, chúng tôi có ý định gửi đến những người lãnh đạo hàng đầu và các cấp của đảng CSVN. Người đầu tiên chúng tôi đã gửi là Tổng Bí Thứ Lê Duẩn, vào khoảng cuối năm 1977 đầu năm 1978, qua một người nói  là bạn thuở thiếu thời đồng hương Quảng Trị với Lê Hãn, Trưởng nam của Ông Lê Duẩn, có thể nhờ Lê Hãn đưa tận tay Ông Lê Duẩn. Lê Hãn tốt nghiệp kỹ sư hàng không ở Liên Xô và thời gian này là Trung Tá không quân QĐNDVN. Tài liệu này cũng được chúng tôi viết lại theo yêu cầu của chấp pháp khi bị bắt cầm tù tại Sở Cong An và nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu thành phố HCM (1978-1981).Người cuối cùng chúng tôi gửi đến là Ông Lê Công Phụng khi làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (khoảng năm 2006-2007), sau khi viết thành sách nhan đề “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”.
(3), (4) và (5): Xin vào Web Site CLBLKVN: luatkhoavietnam.com, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục “Tác giả- Tác phẩm” để đọc toàn tập Tài liệu nghiên cứu lý luận “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới”. Mục “ Thuyết trình-Hội luận” để nghe đài VOA phỏng vấn tác giả Thiện Ý  về tác phẩm và một số vấn đề khác liên quan đến đất nước.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.