Wednesday, October 7, 2015

Nhận định: TRUNG CỘNG CÔNG BỐ BẰNG CHỨNG CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VỚI Ý ĐỒ GÌ?



Nhận định:
TRUNG CỘNG CÔNG BỐ BẰNG CHỨNG  CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VỚI Ý ĐỒ GÌ?

Thiện Ý

     Ngày 8/6/2014 vừa qua, trên trang web của Bộ ngoại giao Trung cộng đã cho đăng tải một bản tuyên bố mang tên "Giàn khoan 981 hoạt động: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc".Trong tuyên bố này,Trung cộng đã chính thức đưa ra 5 bằng chứng trong thời kỳ nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam (1954-1975), để cho rằng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc lúc đó đã công nhận chủ quyền biển đảo  Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) và Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) là thuộc Trung Quốc.
     Bản tuyên bố được viết bằng  Anh ngữ, sau đó được Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc-CRI chuyển sang tiếng Việt.Đồng thời,theo tin của đài truyền hình CNN, bản Tuyên bố cũng được Bắc Kinh đệ nạp cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, kèm theo yêu cầu phân phát các tài liệu này cho tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Trong phần IV của bản tuyên bố, phía Trung cộng đưa ra 5 bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do đảng cộng sản lãnh đạo đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa ) thuộc chủ quyền Trung Quốc.
1.-Bằng chứng 1: Bản Tuyên bố viết “ Ngày 16/5/1956, trong buổi tiếp Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Lý Chí Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm trịnh trọng bày tỏ: "Căn cứ vào những tư liệu của Việt Nam và xét về mặt lịch sử, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc".
 2.- Bằng chứng 2: Bản Tuyên bố viết: “Ngày 4/9/1958, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố, tuyên bố chiều rộng của lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý, dứt khoát nêu rõ: "Quy định này áp dụng cho tất cả mọi lãnh thổ của nước Cộng hoa Nhân dân Trung Hoa, trong đó bao gồm quần đảo Tây Sa". Ngày 6/9, trên trang nhất của "Báo Nhân Dân"-cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam đã đăng toàn văn bản tuyên bố lãnh hải của Chính phủ Trung Quốc. Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi Công hàm cho Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai, trịnh trọng bày tỏ: "Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và tán thành tuyên bố về quyết định lãnh hải công bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", "Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định này".
3.- Bằng chứng 3: Bản Tuyên bố viết “Ngày 9/5/1965, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố về việc Chính phủ Mỹ lập "khu tác chiến" của quân Mỹ tại Việt Nam, chỉ rõ: "Việc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xác định toàn cõi Việt Nam và vùng ngoài bờ biển Việt Nam rộng khoảng 100 hải lý cùng một bộ phận lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoà là khu tác chiến của lực lượng vũ trang Mỹ", đây là đe dọa trực tiếp "đối với an ninh của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước láng giềng".
4.- Bằng chứng 4: Bản tuyên bố viết “Tập "Bản đồ Thế giới" do Cục Đo đạc và Bản đồ Phủ Thủ tướng Việt Nam in ấn xuất bản tháng 5/1972 đã ghi chú quần đảo Tây Sa bằng tên gọi Trung Quốc”
5.- Bằng chứng 5: Bản Tuyên bố viết “Trong sách giáo khoa "Địa lý" lớp 9 Trung học phổ thông do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản, có bài giới thiệu "Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" viết: "Từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến đảo Hải Nam, đảo Đài Loan, các đảo Bành Hồ, quần đảo Châu Sơn..., các đảo này có hình vòng cung, tạo thành bức 'Trường Thành' bảo vệ Trung Quốc đại lục".

     Một câu hỏi được đặt ra: Trung cộng cho công bố các bằng chứng (vô hiệu ề mặt pháp lý) trên vào lúc này với ý đồ gì? Có người cho rằng Trung cộng muốn quốc tế hóa giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Việt Nam nói riêng, các nước có tranh chấp trong vùng nói  chung, căn cứ việc Trung cộng đưa vụ việc ra trước Liên Hiệp Quốc.
     Nhưng theo nhận định của chúng tôi, đây chỉ là sự suy đoán chủ quan, trái với lập trường bao lâu nay của Trung cộng (chỉ giải quyết song phương, chống đa phương hay quốc tế hóa) và không đúng với ý đồ đệ nạp Liên Hiệp Quốc cũng như công bố trước công luận thế giới những bằng chứng Việt cộng trong quá khứ đã có những hành động công nhận chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung cộng. Ý đồ thực sự của Trung cộng qua việc làm này chỉ là sự đơn phương công bố những tài liệu làm bằng chứng để vận động sự ủng hộ của quốc tế trong đòi hỏi chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa (Trung cộng gọi là Tây Sa)và Trường Sa. (Trung cộng gọi là Nam Sa).Đồng thời, qua việc làm này chống lại sự cáo buộc bao lâu nay của Việt Nam, rằng Trung cộng đã  ỷ thế dùng bạo lực từng bước xâm chiếm các vùng biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) của Việt Nam và mới đây đã hạ đặt giàn khoa HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải Việt Nam.Mục đích này đã được Xinhua, cơ quan ngôn luận chính thức của Trungcộng, trích lời ông Vương Dân, Phó Đại sứ của Trung cộng tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng “Trung Quốc nộp hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc để trình bày sự thật với cộng đồng quốc tế, và sửa sai cách hiểu biết của quốc tế về vấn đề này.”. Nhưng lời nói này cũng đã cho thấy  hiệu quả của chiến dịch tố cáo Trung Quốc như kẻ xâm lược của chính quyền Việt cộng và quốc dân Việt Nam khắp nơi trong và ngoài nước trong thời gian qua, ít nhiều đã có hiệu quả, nên Trung cộng mới cần phản bác để “sửa sai cách hiểu biết của quốc tế về vấn đề này”. Ngoài mục đích này, Trung cộng hoàn toàn không có ý muốn nhờ Liên Hiệp Quốc hay cơ quan tài phán quốc tế nào đứng ra giải quyết tranh chấp chủ quyền biền đảo với Việt Nam cũng như các nước khác trong vùng đang có tranh chấp biển đảo với Trungcộng. Trái lại Trung cộng chỉ muốn qua tuyên bố với những bằng chứng đưa ra để gián tiếp khẳng định lập trường quan điểm từ bao lâu nay của mình, rằng “Chủ quyền biển đảo Tây Sa (hay Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) là hiển nhiên không thể và không cần tranh cãi”(do Việt cộng đã nhìn nhận qua các bằng chứng Trung  cộng đưa ra).Chính lập trường và quan điểm cứng rắn này mà Trung cộng đã luôn cự tuyệt đưa vụ việc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam cũng như các nước trong vùng đang có tranh chấp với Trung cộng (như Philippine…) ra trước các cơ quan tài phán quốc tế nhờ giải quyết.Quá lắm, Trung cộng chỉ chấp nhận giải quyết tranh chấp song phương và ra sức ngăn cản mọi đề nghị giải quyết đa phương theo chiếu hướng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông.
    Sự thể này cho thấy trước sau Trung cộng không có thiện chí giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước lân bang một cách hòa bình, công bằng, hợp lý theo luật pháp và tập quán quốc tế. Trước sau gì Trung cộng chỉ muốn dựa vào uy thế áp đảo của một đại cường đất rộng (hàng triệu cây số vuông) người đông (hàng tỷ người) mạnh về quân sự để cách này cách khác lấn chiếm lãnh thổ(như Tân Cương, Tây Tạng…),hay biển đảo các nước lân bang tiểu nhược quốc (như Việt Nam, Philippine…) tạo ra tình trạng đã rồi để sát nhập vĩnh viễn vào lãnh thổ, lãnh hải của mình.
    
     Đất nước Việt Nam một tiểu nhược quốc có số phận không may nằm cạnh đại cường Trung Quốc vốn có tham vọng bá quyền bành trướng lãnh thổ lãnh hải và nô dịch lân bang. Trong quá khứ lịch sử Việt Nam đã từng là nạn nhân(1000 năm nô lệ giặc Tầu)  và hiện tại cũng đang là nạn nhân của tham vọng này.Việt Nam đã thực sự bị đại cường Trung cộng chiếm đất (vùng biên giới phía Bắc) chiếm biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988), đang bị Trung cộng xâm thực tịnh tiến bằng chính sách di dân làm ăn kinh tế (vùng biên giới Phía Bắc,Khai thác Beauxit vùng Tây Nguyên…).
     Thực sự cho đến lúc này, Việt nam chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho cho câu hỏi này:Làm thế nào chặn đứng, đẩy lùi tham vọng xâm lăng và đòi lại các phần lãnh thổ, biển đảo đã mất vào tay đại cường Trung cộng? Bởi vì Việt Nam đang đứng trước thực trạng tương quan lực lượng mọi mặt giữa Trung cộng và Việt cộng là không cân sức đã đành, đất nước lại bị suy yếu đến cùng cực khi bị đặt dưới quyền thống trị quá lâu của một đảng độc quyền,độc tôn (đảng CSVN) trong một chế độ độc tài toàn trị (Cộng Hòa Xả Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). Vì trong quá khứ, Đảng và các chính quyền kế thừa này đã là tác nhân chính đưa đến mất chủ quyền biển đảo và trong hiện tại cũng là một ngăn cản chính để đoàn kết toàn dân, thống nhất toàn lực quốc gia và huy động được sức hậu thuẫn quốc tế để tạo thế lực đối trọng, để nếu chưa đòi buộc được Trung Quốc hoàn trả các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã cưỡng chiếm của Việt Nam, thì ít ra cũng chặn đứng được tham vọng bành trướng của ngoại bang, bảo vệ được phần đất biển đảo còn lại của Tổ Quốc.
     Vì vậy đề có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi trên, vấn đề tiên quyết là phải giải quyết chế độ Việt cộng. Vì đó là nguyên nhân trong quá khứ làm mất lãnh thổ, lãnh hải của Đât Nước; và trong hiện tại đang là sức cản chủ yếu mọi nỗ lực của quốc dân Việt Nam để đòi lại các phần lãnh thổ lãnh hải đã mất, giữ vững phần lãnh thổ lãnh hải còn lại của Tổ Quốc Việt Nam.

Thiện Ý
Houston, ngày 30  tháng 6 năm 2014  
   
    






No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.