Wednesday, October 7, 2015

Viết về và viết cho: HUỲNH TẤN MẪM, MỘT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN PHẢN TỈNH MUỘN MÀNG.



Viết về và viết cho:


     “Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên-sinh viện-học sinh” đề ngày 4-7-2014 được phổ biến rộng rãi trên mạng internet đang được công luận  chú ý, có kẻ khen, người chê.
     Nội dung bài này lần lượt viết về những gì người viết biết về Huỳnh Tấn Mẫm và viết cho Huỳnh Tấn Mẫm, một đảng viên cộng sản được kết nạp vào đảng Cộng sàn Việt Nam (CSVN)  qua cái gọi là “Phong trào thanh niên-sinh viên-học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy” trước 30-4-1975.

I.- VIẾT VỀ HUỲNH TẤN MẪM.
     Huỳnh Tấn Mẫm, sinh năm 1943 tại Chợ Cầu, Hóc Môn, Gia Định, một cựu sinh viên trường đại học y khoa Sài gòn trước 30-4-1975, hoạt động nằm vùng cho Việt cộng và trở thành một trong những lãnh tụ hàng đầu của cái gọi là “Phong trào thanh niên-sinh viện-học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy (Từ đây xin viết tắt là “Phong trào”), từng là Chủ tịch Tổng Hội sinh viện Sài Gòn. Do các hoạt động nằm vùng cho Việt cộng, chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), Huỳnh Tấn Mẫm đã bị cơ quan an ninh VNCH bắt giam rối thả nhiều lần do áp lực của quốc tế, vì lầm tưởng (thật hay giả tạo) Huỳnh Tấn Mẫm là người quốc gia bất đồng chính kiến (dù cơ quan an ninh VNCH có bằng chứng và biết rõ Mẫm là người của Việt cộng). Nhờ đó Huỳnh Tấn Mẫm đã tồn tại cho đến sau ngày 30-4-1975, ngày chế độ dân chủ pháp trị VNCH bị cưỡng tử, Việt cộng khởi sự áp đặt chế độ độc tài toàn trị trên cả nước.
     Sau 30-4-1975, Huỳnh Tấn Mẫm (HTM) được đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lần lượt cho giữ các chức vụ như Chủ tịch Hội Liên Hiệp Sinh Viên Việt Nam, Tổng biên tập báo Thanh Niên, Đại Biểu Quốc Hội đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, từng được gửi sang Liên Xô học và bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học Mác-Lê tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Theo lời vợ của HTM là NLD nói với người viết khi dạy học chung tại một trường Phổ thông cơ sở ở Sài gòn (khoảng năm 76-77) thì “Đảng” đã cho HTM lựa chọn: một là qua du học Liên Xô lấy bằng Tiến sĩ triết học Mác-Lê để tiến thân về chính trị; hai là tiếp tục học y khoa còn giang dở để trở thành bác sĩ.HTM đã chọn đi học Liên Xô và vẫn theo lời vợ HTM nói với người viết,thì đó là sự chọn lựa sai lầm. Vì học ra Bác sĩ còn kiếm tiền được, lấy Tiến sĩ triết học Mác-Lê về thì trước hết phải đi dậy học các “Trường Đảng” lương công nhân viên ba cọc ba đồng.; nếu vào chính quyền có chức có quyền mà không hủ hóa tham nhũng thì cũng chẳng có tiền. Có lẽ vì vậy mà nghe đâu sau này HTM đã tiếp tục học lại y khoa tại chức và đã tốt nghiệp (?).
     Đối với HTM, trước sau tôi chỉ gặp mặt hai lần, lần đầu trước và lần thứ hai cũng là lần cuối sau 30-4-1975.
     Lần đầu tôi gặp HTM vào khoảng năm cuối thập niên 1960 khi anh mới được trả tự do, tại một giảng đường của trường Đại Học Nông Lâm Súc, trong khi bên ngoài, trên khúc đường Cường Để nằm giữa Hồng Thập Tự và Thống Nhất, đang có cuộc giao chiến giữa các thanh niên-sinh viên – học sinh thuộc “Phong trào…” xuống đường biều tính chống chính phủ VNCH, với lực lượng cảnh sát dã chiến. Hôm đó, đề tài thuyết trình để kích động xuống đường là “thuế kiệm ước song hành” của chính phủ do Luật sư Bùi Chánh Thời (thuộc khối Ấn Quang) là thuyết trình viên.Tôi đến gặp HTM qua trung gian của một người bạn thân (sau này mới biết cũng hoạt động nằm vùng như HTM) để giới thiệu một người bạn lúc đó là Chủ nhiệm & Chủ bút báo Hiện Diện của Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam để thực hiện một cuộc phỏng vấn(Anh NTQ hiện ở Houston)
     Lần thứ hai gặp HTM vào khoảng năm 1976-1977 khi tôi đến nhà anh nằm tận cùng một hẻm lớn trên đường Pasteur, khúc đối diện với viện Pasteur.Khi đó HTM mới được biên chế vào Quốc hội thống nhất cả nước. Tôi đến theo lời mời của NLD vợ HTM, cùng dậy học chung trường với tôi, để lấy tiền chiếc TV đã bán thiếu trước đó một tháng theo ước hẹn. Vì nghe NLD nói con gái nhỏ thích coi TV, cứ phải qua nhà hàng xóm coi nên muốn mua một TV cũ. Nghe vậy người viết nói đang cần tiền, có TV cũ muốn bán, vợ HTM ngỏ ý muốn mua với điều kiện cho khất lại một tháng mới gom đủ 200 đồng (tiền mới, lương giáo viên lúc đó đồng hạng 30 đồng một tháng) để trả. Nhưng khi đến nhà vợ HTM nói vẫn chưa đủ, nhờ người viết chạy Honda chở qua nhà Thượng tá X… bố vợ anh ở căn biệt thự nằm ở góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản (tức Điện Biên Phủ bây giờ) để mượn thêm bố mẹ mới đủ 200 đồng (tiền mới) trả cho tôi.

II/- VIẾT CHO HUỲNH TẤN MẪM ,MỘT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN PHẢN TỈNH MUỘN MÀNG.

Thưa anh Huỳnh Tấn Mẫm,
     Tôi biết anh nhưng có lẽ anh không biết mà có biết cũng không thể nhớ tôi là ai. Vì trước sau tôi chỉ gặp anh đúng hai lần, lần đầu trước và lần thứ hai cũng là lần cuối sáu 30-4-1975.(Như đã viết ở phần trên).Nhưng NLD vợ anh biết và có lẽ còn nhớ tôi vì có một thời cùng dậy học chung trường (1976-1977).
    Tôi với anh không là đồng môn vì anh học y khoa, tôi học luật và về mặt lý tưởng thời tuổi trẻ cho đến nay chúng ta hoàn toàn trái ngược: Tôi lý tưởng “Quốc gia dân tộc, dân chủ pháp trị”, anh  lý tưởng “Cộng sản quốc tế, độc tài toàn trị”. Thực tế, tôi sinh ra ở Miền Bắc di cư vào Miền Nam năm 1954 để lánh nạn cộng sản; còn anh sinh ra và được sống tại Miền Nam, nhưng thời tuổi trẻ lại ngưỡng vọng và đi theo cộng sản Bắc Việt để tiếp tay cộng sản hóa Miền Nam.Vì anh cũng như những người tuổi trẻ một thời theo cộng sản, đã lầm tưởng chính quyền trong chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở Miền Nam là công cụ tay sai “Đế Quốc Mỹ” mà không biết rằng chính quyền trong chế độ độc tài đảng trị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở Miền Bắc cũng là công cụ tay sai của các đế quốc công sản Nga-Tầu, một “công cụ Tri tình(tình nguyện làm công cụ) khác với “Công cụ ngay tình” (bị cưỡng ép làm công cụ) của chính quyền VNCH ở Miền Nam ; lầm tưởng rằng guồng máy công quyền và xã hội trong chế độ quốc gia VNCH ở Miền Nam đầy tham nhũng, thối nát, áp bức, bất công, mà không biết rằng thực tế guồng máy công quyền và xã hội trong chế độ cộng sản VNDCCH ở Miền Bắc còn tàn tệ hơn nhiều.Tất cả sự lầm tưởng này, chỉ sau 30-4-1975 khi sống dưới chế độ cộng sản dưới bảng hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam anh và những kẻ tuổi trẻ lầm lạc như anh mới dần dần ngộ ra được đâu là sự thật, đâu là chính tà.
     Ngộ ra được sự thật, biết đâu là chính tà là điều tốt, nhưng quan trọng hơn là phải biết “phản tỉnh” từ nhận thức đến hành động càng sớm càng tốt để hạn chế và tiêu diệt hậu quả do nhận thức và hành động sai lầm gây ra mới là cần yếu. Tiếc rằng anh và những anh chị em thanh niên, sinh viên học sinh cùng thời vì lầm tưởng đã tham gia “Phong trào” dù đã “ngộ ra” rất sớm, những hầu hết đã phản tỉnh quá trễ. Cá nhân anh giờ đây sau 39 năm (1975-2014) mới công khai nói lên sự “phản tỉnh” một cách yếu ớt qua “Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên-sinh viện-học sinh” đề ngày 4-7-2014.
     Thật vậy, tôi đã đọc kỹ “Thư tâm tình” của anh, nếu so với bài “Viết trong những ngày nằm bịnh” công bố gần một năm trước đây của cố cựu đảng viên cộng sản Lê Hiếu Đằng có cùng cảnh ngộ lầm lạc như anh, thì thấy sự “phản tỉnh” của anh quá yếu về nhiều mặt, chủ yếu là về nhận thức và hành động.
    Về mặt nhận thức, “Thư tâm tình” chỉ đưa ra những nhận thức chung chung ai cũng biết về sự yếu kém của “guồng máy công quyền”, xã hội suy đồi, bất công trong chế độ hiện tại, sự hèn yếu của tầng lớp lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chế độ hiện tại trước hiểm họa Trung quốc xâm lăng từng bước lãnh thổ, lãnh hải biển đảo của Việt Nam….
     Tuyệt nhiên anh không dám có những phê phán mạnh bạo, bầy tỏ một thái độ dứt khoát chống lại và đòi thay thế “chế độ độc đảng,độc tài toàn  toàn trị” bằng một “chế độ đa đảng,dân chủ pháp trị” như Lê Hiếu Đằng đã viết.
    Tuyệt nhiên anh không nói gì về quá khứ để hối hận đã sai lầm khi đi theo cộng sản, hối tiếc vì đã có những hành động góp phần với đảng Cộng sản làm suy đồi toàn diện đất nước.
     Về mặt hành động, trong “Thư tâm tình” anh đã không đưa ra được một đề nghị cụ thể nào để thay đổi tình hình chính trị có lợi cho dân cho nước, ít ra như Lê Hiếu Đằng, chẳng hạn đã đề nghị thành lập một “Đảng Dân Chủ Xã Hội” đối trọng với “Đảng Cộng Sản Việt Nam” đang độc quyền, độc tôn thống trị trong một chế độ độc tài toàn trị hiện nay. Ngoài lời kêu gọi tuổi trẻ “Thanh niên-sinh viên-học sinh” bằng những sáo ngữ, cá nhân anh đã chẳng giám có một hành động dứt khoát,cụ thể nào, chẳng hạn từ bỏ đảng cộng sản như Lê Hiếu Đằng đã làm hay quyết liệt hơn đứng ra phát động một phong trào xuống đường chống chế độ độc tài toàn trị, đòi các quyền dân chủ dân sinh, đòi chuyển đổi qua chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị, như anh và các sinh viên nằm vùng trước đây đã làm trong cái gọi là “Phong trào thanh niên-sinh viên- học sinh đấu tranh chống Mỹ-Thiệu”. Phải chăng trước đây trong chế độ dân chủ pháp trị VNCH ở Miền Nam, anh và các đồng chí của anh dám “đấu tranh” vì biết rằng dù có bị bắt bỏ tù, sinh mạng vẫn được bảo toàn, lại được nổi tiếng, có công với “cách mạng” (Đỏ). Còn bây giờ, anh và các đồng chí của anh không giám làm trong chế độ độc tài toàn trị Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vì ngoài bị bỏ tù, gia đình anh còn mất tất cả ưu quyền đặc lợi mà 39 năm qua đã được Đảng và chế độ cho an hưởng?
     Như vậy người ta có thể nghĩ anh chỉ có gan xúi tuổi trẻ làm, còn anh thì thoái thác rằng “Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.”.
     Nhưng thưa anh Huỳnh Tấn Mẫm, việc nước là việc chung, lòng yêu nước không hệ tại ở tuối tác, mỗi lứa tuổi có cách hành động thể hiện lòng yêu nước khác nhau thành đạt hiệu quả khác nhau.Đọc “Thư tâm tình” của anh người đọc có cảm tưởng anh đang tìm cách trút trách nhiệm làm thay đổi bộ mặt đất nước tốt đẹp hơn cho tuổi trẻ. Còn anh chẳng nhận chút trách nhiệm nào về quá khứ theo cộng sản cũng như trách nhiệm tương lai làm tiêu vong chế độ cộng sản, dân chủ hóa đất nước.
     Thưa anh Huỳnh Tấn Mẫm,
     Theo nhận định của tôi và có lẽ cũng của nhiều người, sau khi đọc toàn vănThư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên-sinh viện-học sinh” đề ngày 4-7-2014  hầu hết đều cảm thấy thất vọng. Vì tất cả chỉ là những sáo ngữ,  mà anh muốn dùng để kích động lòng yêu nước của tuổi trẻ, với sự lên án, tố cáo bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và yếu ớt những yếu kém, sai phạm nghiêm trọng của Đảng và nhà cầm quyền hiện nay mà ai cũng biết. Nhưng đã chẳng có tác dụng gì, ngoài ghi nhận anh là một đảng viên cộng sản “phản tỉnh nửa vời mờ nhạt” . Nghĩa là mới nhận thức được những sai lầm của chế độ cộng sản, những nguy cơ “nội xâm” cũng hư “ngoại xâm” của đất nước, nhưng vẫn không giám chỉ trích, phê bình mạnh bạo, nhất là cá nhân không giám có hành đồng quyết liệt và dứt khoát như Lê Hiếu Đằng, ly khai đảng CSVN chẳng hạn.
     Chính vì vậy mà mọi người không tin anh và có nhiều người đã chỉ trích anh thậm từ, nhắc lại dùm anh những hành động quá khứ sai lầm đi theo cộng sản gây hậu quả nghiêm trọng toàn diện cho đất nước,di hại cho đến hôm nay và mãi sau này, khi anh vô tình hay cố ý không nhắc đến trong “Thư tâm Tình…” để tỏ một chút ăn năn hối tiếc, chia xẻ một phần trách nhiệm với đảng CSVN, thể hiện quyết tâm lập công chuộc tội với nhân dân dân, dân tộc và đất nước.
     Tôi thành tâm mong anh sẽ có thêm nghị lực, quyết tâm để có được những hành động tiếp theo trong những ngày tới, để mọi người tin tưởng anh đã “Phản tỉnh hoàn toàn, thực sự” không chỉ về mặt nhận thức mà còn chứng tỏ bằng hành động dứt khoát, quyết liệt.
     Nhờ anh chuyển lời thăm chị NLD và cầu chúc anh chị vá các cháu sức khỏe, hạnh phúc và mọi điếu tốt lành. Riêng anh sẽ có những hành động đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước của toàn dân.
                    Thiện Ý
Houston, ngày 11 tháng 7 năm 2014
         

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.